Thời gian qua hương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do NHCSXH huyện Thuận Nam triển khai đã phát huy hiệu quả, qua triển khai đã tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương, nhờ có nguồn vốn này, mà nhiều lao động trên địa bàn huyện có việc làm ổn định, trong đó có chị Phú Nữ Như, thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh là một trong những gương điển hình phát huy tốt nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện, tạo công ăn việc làm cho bản thân, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Trước đây, Chị Phú Nữ Như, thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, rất vất vả khi tìm công ăn việc làm tại địa phương, nhất là cuối năm 2019 đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh, cộng với hạn hán kéo dài, nên trên địa bàn huyện Thuận Nam không sản xuất được. Để kiếm một việc làm ổn định, là điều hết sức khó khăn đối với chị, cũng như nhiều chị em khác ở địa phương. Cuối năm 2019, NHCSXH huyện đã triển khai Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm cho người dân. Được sự hỗ trợ của NHCSXH huyện, Hội Phụ nữ xã, hỗ trợ cho vay trực tiếp cho những lao động trong độ tuổi lao động, vay phát triển kinh tế, chăn nuôi. Cuối năm 2019 chị Như được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng mua 02 con bò vỗ béo về nuôi, nhờ có rãy, vườn của cha mẹ để lại, cộng với chịu khó chăm sóc nên 02 con bò nhà chị phát triển nhanh, đầu năm 2020 chị bán 02 con bò vỗ béo được gần 50 triệu đồng, chị trả hết nợ vay ngân hàng và được NHCSXH tạo điều kiện cho vay nâng suất đầu tư lên 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Sau khi vay tiền, chị tiếp tục đầu tư mua 4 con bò vỗ béo về nhà nuôi. Bên cạnh việc chăm sóc bò, chị còn kết hợp với chăn nuôi gà, nhờ có sự tính toán và chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình chị ngày càng phát triển, có điều kiện nuôi 3 con ăn học.
Phát biểu chị Phú Nữ Như – Thôn Tân Bổn – xã Phước Ninh – huyện Thuận Nam. Bản thân được thôn, tổ tiết kiệm vay vốn hội phụ nữ xã, NHCSXH huyện quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển chăn nuôi. Từ khi được vay vốn, tôi đã mua bò về chăm sóc, nhờ vậy mà tôi có công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình phát triển hơn, con cái học hành đến nơi, đến chốn.
Theo đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể tại các địa phương trên địa bàn huyện Thuận Nam, nhu cầu giải quyết việc làm của các địa phương vẫn còn rất nhiều, nhất là một số lao động nữ có gia đình tại các đia phương. Nhu cầu về nguồn vốn cho lao động tại địa phương phát triển kinh tế gia đình là rất cần thiết, từ khi Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay lại thấp chỉ có 7,92%/năm, góp phần cho người vay yên tâm phát triển kinh tế. Từ khi Nghị định 74/2019 của Chính Phủ được triển khai trên địa bàn huyện, đã có nhiều lao động có nhu cầu vay vốn, tính đến nay, trên địa bàn xã Phước Ninh có 22 trường hợp đủ điều kiện vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm, với tổng số tiền 900 triệu đồng và được thông qua các hội đoàn thể xã quản lý, trong đó Hội liên hiệp phụ nữ xã 09 hộ, với số tiền là 370 triệu đồng. Từ chương trình có nhiều lao động trong độ tuổi lao động, có việc làm ổn định, phát huy hiệu quả nguồn vay, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Phát biểu chị Nguyễn Thị Tốt – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Phước Ninh – Thuận Nam. Trong năm 2019, NHCSXH huyện đã triển khai cho vay chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, từ nguồn vốn huy động của NHCSXH, sau khi được triển khai, Hội liên hiệp phụ nữ xã đã phối hợp với thôn triển khai và bình xét cho 09 đối tượng chưa có việc làm, với số tiền là 370 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế có 100% hộ vay điều sử dụng đúng mục đích, tạo việc làm ổn định cho các lao động, điển hình như chị Phú Nữ Như đã mua bò và tạo việc làm cho chị. Hội phụ nữ đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND xã xin thêm nguồn vốn để nhân rộng mô hình, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn xã.
Theo thống kê của NHCSXH huyện, tính đến nay NHCSXH huyện đã giải ngân cho 297 lao động đủ điều kiện vay vốn từ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với tổng số tiền 9 tỷ 189 triệu đồng, nhờ nguồn vốn tín dụng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm mới cho nhiều lao động nông thôn, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương. Hiện nay, mức cho vay tối đa đã được điều chỉnh nâng lên rõ rệt. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nâng mức cho vay tối đa lên đến 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Việc nâng mức cho vay này rất phù hợp với thực tế tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng vay và là giải pháp hiệu quả nhằm góp phần hạn chế, đẩy lùi “ tín dụng đen” gây mất trật tự tại địa phương.
Phát biểu ông Nguyễn Tuấn Anh – Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Thuận Nam: Trong năm 2019, NHCSXH huyện Thuận Nam, đã triển khai Chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với chương trình này các đối tượng chưa có việc làm, hoặc có việc làm không ổn định được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ khi triển khai chương trình đến nay, có 297 lao động được vay vốn, với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Trong số các hộ vay, có hộ chị Phú Nữ Như, đã sử dụng tốt nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới NHCSXH huyện tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình của chương trình này đối với các hộ vay khác, tạo điều kiện cho các hộ vay tiếp cận được nguồn vốn chính sách cũng như tạo việc làm cho người vay để phát triển kinh tế gia đình và xã hội.
Với chính sách ưu đãi từ Chương trình tạo nguồn vốn cho lao động hiện nay, đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương.