130 người đang online
°

Dân số - Lao động

100%

1. Đặc điểm dân số và phân bố dân cư

- Dân số: Dân số trung bình năm 2010 là 55.187 người, trong đó nam có 26.749 người, nữ có 27.538 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,38%. Mật độ dân số bình quân 97,76 người/km2.

- Phân bố dân cư: Hiện nay ở hầu hết các xã dân cư đã sống tập trung thành các khu, điểm dân cư lớn, các trục đường giao thông, gần khu sản xuất, nguồn nước nên việc phục vụ các nhu cầu về điện, nước, y tế, giáo dục và chỉ đạo sản xuất tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, dân cư phân bố không đều giữa các xã như Cà Ná 711 người/km2, Phước Nam 328,8 người/km2, Phước Diêm 211,5 người/km2,  trong khi Phước Hà 17 người/km2, Phước Minh 46,1 người/km2.

2. Thực trạng lao động

2.1. Nguồn lao động

Theo số liệu thống kê năm 2010 số người trong độ tuổi có khả năng lao động là 32.467 người, chiếm 58,83% dân số toàn huyện. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 31.759 người chiếm 57,55% dân số và 97,82% lao động trong độ tuổi.

2.2. Cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế

- Tổng lao động đang làm việc trong các ngành: 31.759 người, trong đó:

          + Lao động nông lâm nghiệp: 25.556 người, chiếm 80,47%.

          + Lao động công nghiệp - TTCN, xây dựng: 1.809 người, chiếm 5,7%.

          + Lao động thương mại, dịch vụ, quản lý nhà nước-xã hội: 4.394 người, chiếm 13,84%.

- Cơ cấu lao động chuyển dịch phụ hợp với xu thế chung, tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp, tuy nhiên chuyển dịch còn chậm do công nghiệp - xây dựng đã có sự quan tâm đầu tư nhưng bước đầu đang đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đi vào sản xuất, dịch vụ còn quá nhỏ bé nên khả năng thu hút chưa cao, ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm (chủ yếu chế biến thuỷ hải sản, ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền với quy mô nhỏ).

2.3. Chất lượng lao động

Tỷ lệ lao động được qua đào tạo (đào tạo, tập huấn) chiếm 22% tổng lao động. Lao động qua đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và doanh nghiệp công nghiệp. Chất lượng nguồn lao động với tỷ trọng 78% số lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và chủ yếu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật ở các ngành kinh tế quốc dân và các cơ sở sản xuất quan trọng và phân bố không đồng đều trên địa bàn huyện.

Nhìn chung, nguồn lao động của huyện dồi dào, tính về số lượng có thể đáp ứng lao động cho các ngành kinh tế của huyện. Tuy nhiên khi cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh sang phát triển công nghiệp theo hướng hội nhập quốc tế và đòi hỏi lao động có kỹ thuật cả về số lượng và chất lượng ngày càng cao, vấn đề đặt ra phải nâng cao chất lượng và tăng cường đào tạo lao động có tay nghề với nhiều ngành, lĩnh vực và ở trên các địa bàn.