95 người đang online
°

Thông cáo báo chí về những nội dung có liên quan đến dự án do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký đầu tư tại huyện Thuận Nam.

Đăng ngày 10 - 10 - 2016
Lượt xem: 464
100%

Liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đề xuất đầu tư tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin như sau:

 

I. Tổng quan về khu vực thực hiện dự án:

1. Về địa điểm thực hiện dự án:

Dự án đặt tại Khu công nghiệp Cà Ná, thuộc địa phận xã Phước Diêm và một phần xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

2. Về diện tích, hiện trạng sử dụng đất:

Hiện nay Khu công nghiệp Cà Ná với diện tích 1.077,1 ha đã được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 28/3/2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Ninh Thuận.

Một phần diện tích của Khu công nghiệp Cà Ná đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng (117,16 ha đã chi trả 100% chi phí đền bù; 136,97ha đã chi trả một phần) khi thực hiện dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná của liên doanh giữa Vinashin và Lion Group (Malaysia) trước đây.

3. Hiện trạng về dân số, điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực:

a) Về dân số, lao động:

Qua khảo sát trong phạm vi nghiên cứu thực hiện dự án thuộc địa bàn xã Phước Diêm (thôn Thương Diêm, Lạc Tân) có tổng số nhân khẩu là 5.125 khẩu, trong đó số nhân khẩu trong độ tuổi lao động là 3.879 khẩu (làm nông 968 khẩu; làm biển 1.120 khẩu; làm muối 294 khẩu; công nhân, nội trợ, thợ hồ, … là 1.497 khẩu).

b) Về điều kiện kinh tế - xã hội:

Khu vực đất dự kiến thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp (trồng cây hàng năm) kém hiệu quả, chủ yếu dựa vào nước trời, năng suất không cao. Đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực này bị nhiễm mặn do ảnh hưởng của đồng muối nên thu nhập bình quân của người dân không cao.

Nhân dân địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp (sản xuất muối, chăn nuôi gia súc), đánh bắt hải sản và còn lại là nội trợ, lao động thời vụ. Mật độ dân số đông, tập trung chủ yếu tại 02 thôn Thương Diêm và Lạc Tân với diện tích đất ở hạn chế, không có khả năng mở rộng. Số lượng lao động tham gia đánh bắt hải sản chủ yếu làm thuê theo thời vụ, còn lại phải đi làm xa.

II. Về nội dung đề xuất thực hiện dự án của nhà đầu tư:

1. Về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná:

a) Mục tiêu đầu tư: Xây dựng, vận hành và khai thác Khu liên hợp luyện cán thép ứng dụng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất khép kín gồm các công đoạn thiêu kết, vo viên, luyện vôi, luyện cốc, luyện gang, luyện thép, đúc thép, cán thép, cán nguội, mạ, sản xuất xi măng, sản xuất điện.

Khi Dự án đi vào hoạt động, quy trình sản xuất của Tập đoàn Hoa Sen sẽ được khép kín một cách hoàn chỉnh từ khâu nguyên liệu đầu vào (gồm: quặng sắt, than đá, đá vôi, ...) đến việc sản xuất các sản phẩm thép thành phẩm, bán thành phẩm (gồm: gang lỏng, thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo, thép chất lượng cao, thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, ...) và các sản phẩm phái sinh (như xi măng, điện, ...).

b) Diện tích đất thực hiện dự án: trên phạm vi khoảng 1.500 ha.

c) Tổng công suất dự án: Khoảng 16 triệu tấn/ năm , chia làm 5 giai đoạn, trong đó:

- Giai đoạn I (Từ 2017 – 2019): Công suất 3 triệu tấn/năm; gồm 2 phân kỳ, mỗi phân kỳ đầu tư xây dựng một lò cao dung tích 1.280m3.

- Giai đoạn II (Từ 2020 – 2022): Nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm; gồm 2 phân kỳ, mỗi phân kỳ đầu tư xây dựng một lò cao dung tích 1.280m3.

- Giai đoạn III (Từ 2023 – 2025): Nâng công suất lên 9 triệu tấn/năm; gồm 2 phân kỳ, mỗi phân kỳ đầu tư xây dựng một lò cao dung tích 1.280m3.

- Giai đoạn IV (Từ 2026 – 2028): đầu tư một phân kỳ xây dựng 01 lò cao dung tích 4.350 m3, với công suất 3,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất của Dự án lên 12,5 triệu tấn/năm.

- Giai đoạn V (Từ 2028 – 2031): dự kiến đầu tư một phân kỳ xây dựng 01 lò cao dung tích 4.350 m3, với công suất 3,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất của toàn bộ Dự án lên 16 triệu tấn/năm.

Đồng thời, sẽ tận dụng khí lò cao để sản xuất nhiệt điện cũng như tận dụng xỉ lò cao để sản xuất xi măng.

d) Tổng vốn đầu tư: dự tính khoảng 10,6 tỷ USD đô la Mỹ.

2. Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Sen đề nghị đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná với các nội dung chính như sau:

a) Mục tiêu dự án: Xây dựng đồng bộ các khu bến chuyên dùng và tổng hợp phục vụ khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận và vùng hấp dẫn. Quy mô bến chuyên dùng tiếp nhận được tàu trọng tải đến 300.000 DWT, bến tổng hợp cho tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 DWT.

b) Diện tích sử dụng đất: Khoảng 430 ha, trong đó:

- Phần diện tích cảng: Khoảng 180 ha, bao gồm:

+ Diện tích đất liền sử dụng: Khoảng 45 ha.

+ Diện tích đất lấn biển: Khoảng 135 ha.

- Phần diện tích mặt nước sử dụng: Khoảng 250 ha.

c) Tiến độ thực hiện dự án: Từ năm 2017 - 2031, chia làm 06 giai đoạn.

d) Tổng vốn đầu tư: khoảng 9.087.560.000.000 đồng, tương đương 404.610.875 đô la Mỹ (chưa tính 2 đê chắn sóng).

III. Đánh giá sơ bộ về dự án:

1. Sự phù hợp về quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch ngành thép của quốc gia:

a) Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do Monitor là Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới nghiên cứu và đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 đã xác định ưu tiên phát triển công nghiệp nặng tại khu vực phía Nam (huyện Thuận Nam) thông qua kêu gọi đầu tư dự án sản xuất thép tại Khu công nghiệp Cà Ná, quy mô 14,5 triệu tấn/năm gắn với cảng hàng hóa, quy mô bốc dỡ hàng hóa 15 triệu tấn/năm (danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020).

Khu công nghiệp Cà Ná đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 tại Công văn số 620/TTg-KTN ngày 05/5/2015, được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 14/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Dự án nằm ở vị trí và có những điều kiện tự nhiên thuận lợi và cạnh tranh nhất đối với ngành công nghiệp nặng như: gần cảng nước sâu tổng hợp đã có trong Quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia, gần tuyến đường sắt và đường bộ quốc gia. Hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông, nước, điện cơ bản đáp ứng nhu cầu trước mắt của dự án.

b) Đây là dự án là kế thừa từ dự án Tổ hợp Thép của liên doanh giữa Vinashin và Lion Group (Malaysia) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và bổ sung quy hoạch phát triển các ngành liên quan tại Văn bản số 5179/VPCP-QHQT ngày 08/8/2008, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2008 và khởi công tháng 11/2008. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 3516/QĐ-BCT ngày 25/8/2016, của Bộ Công thương với công suất 16 triệu tấn/năm.

2. Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế- xã hội dự án:

Dựa trên đề xuất của chủ đầu tư về quy mô dự án và tham khảo các dự án khác có tính chất và quy mô tương tự có thể đánh giá sơ bộ đây là một dự án có quy mô lớn ở tầm quốc gia. Dự án được triển khai, đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng cũng như của cả nước nói chung, tạo ra tính chủ động về nguồn thép phục vụ cho ngành công nghiệp nặng của cả nước. Thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng lân cận; thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ công nghiệp. Đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Cụ thể qua các chỉ tiêu như sau:

- Dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 - 45.000 lao động trực tiếp (trong đó khoảng 10% là lao động phổ thông). Tạo công ăn việc làm gián tiếp cho khoảng 60.000 lao động khu vực xung quanh khu công nghiệp. Tạo điều kiện thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ và hình thành khu đô thị - công nghiệp phía Nam tỉnh với quy mô dân số khoảng trên 100 ngàn dân.

- Nộp ngân sách hàng năm: Khoảng 15 ngàn tỷ đồng trở lên khi đi vào hoạt động cả hai giai đoạn (gồm thuế VAT , thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí môi trường, ...).

- Việc hình thành đưa vào hoạt động cảng quốc tế với quy mô hàng hóa qua cảng đạt 50 triệu tấn năm sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách từ thuế nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu (quặng, phôi, than, ...), nhiên liệu cho sản xuất của nhà máy thép (gồm thuế VAT, thuế nhập khẩu, phí môi trường, ...), nguồn thu các dịch vụ logistic, xăng dầu, ... Dự kiến mức nộp ngân sách hàng năm khoảng từ 3.000-5.000 tỷ đồng .

Ngoài ra, việc hình thành dự án tại đây sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành khu đô thị và dịch vụ khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

3. Về khả năng đáp ứng yêu cầu về hạ tầng phục vụ cho của dự án:

Theo Luật Đầu tư 2014, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào khu công nghiệp, đối với các tỉnh khó khăn như Ninh Thuận sẽ được xem xét hỗ trợ một phần từ ngân sách Trung ương.

a) Về phương án cấp nước thô cho dự án:

Theo đề xuất của nhà đầu tư thì nhu cầu nước cho Giai đoạn I dự án khoảng từ 21.000 - 30.000 m3/ngày đêm và tổng nhu cầu nước các giai đoạn tiếp theo khoảng 180.000 m3/ngày đêm.

Hiện nay theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được duyệt, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư Hệ thống cấp nước Phước Nam với công suất 30.000m3/ngày-đêm, nguồn nước lấy từ hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm để phục vụ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (huyện Ninh Phước và Thuận Nam). Hiện nay đã đầu tư hệ thống chuyển tải đến trạm tăng áp Khu công nghiệp Phước Nam và giao cho Công ty Cổ phần Câp nước quản lý, khai thác. Tuy nhiên nhu cầu sử dụng nước của Khu công nghiệp Phước Nam hiện không đáng kể vì chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp. Trước mắt để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng – vận hành giai đoạn I dự án từ năm 2017 có thể kéo tuyến ống truyền tải từ Khu công nghiệp Phước Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná (dài khoảng 18km) để tận dụng nguồn nước chưa sử dụng hết. Việc tận dụng nguồn nước này không ảnh hưởng đến các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất khác của tỉnh và huyện Thuận Nam. Về phương án thực hiện, Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận tự đầu tư, kinh doanh nước sạch và nước thô cho khách hàng theo Luật Doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách. Ngoài ra trường hợp Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận gặp khó khăn về nguồn vốn, Tập đoàn Hoa Sen xem xét ứng vốn thực hiện và được khấu trừ vào tiền sử dụng nước.

Đối với các giai đoạn còn lại của dự án, căn cứ Quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, có xét đến năm 2025 thì sau khi Đập hạ lưu Sông Dinh và Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành, sau khi đã cân đối cho tất cả các nhu cầu khác, tổng lượng nước có thể phục vụ phát triển các dự án công nghiệp của tỉnh vào khoảng 327.000m³/ngày-đêm (vào năm 2020) và 340.000 m³/ngày-đêm (vào năm 2025), tương đương khoảng 63 triệu m3 nước/năm. Như vậy với tổng lượng nước mặt đến bình quân năm trên địa bàn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt (9 tháng nắng, 3 tháng mưa) là hơn 1,2 tỷ m3 hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu nước thô cho dự án của Tập đoàn Hoa Sen mà không ảnh hưởng đến các mục đích khác. Đồng thời theo thỏa thuận thì Tập đoàn Hoa Sen sẽ có phương án tái sử dụng nguồn nước thải và cấp nước bổ sung từ hệ thống lọc nước biển để đảm bảo tiết giảm tối đa nhu cầu sử dụng nước của địa phương, dự phòng trong trường hợp nguồn cấp nước khác gặp sự cố bất khả kháng.

b) Về phương án cấp điện:

Dự kiến nhu cầu phụ tải giai đoạn 1 của các dự án là 300 MW; các giai đoạn tiếp theo là 1.500 MW. Với nhu cầu phụ tải đăng ký nêu trên của nhà đầu tư là khá lớn, do vậy cần phải đầu tư xây dựng trạm biến áp riêng để cấp điện cho các dự án. Theo quy định của Luật Điện lực, nhà đầu tư thỏa thuận nhu cầu dùng điện với ngành điện lực và việc đầu tư xây dựng trạm biến áp với quy mô công suất như trên cần phải được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận. Sau khi bổ sung quy hoạch, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam sẽ đầu tư xây dựng trạm biến áp cấp điện cho dự án đầu tư của Tập đoàn Hoa Sen.

Trong giai đoạn đầu thì phương án cấp điện thi công được lấy từ trạm biếp áp Ninh Phước quy mô công suất 50 MW (hiện nay phụ tải cực đại khoảng 20 MW, còn thừa 30 MW).

c) Kết nối giao thông đường biển và đường sắt vào dự án:

UBND tỉnh đã làm việc và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý về chủ trương điều chỉnh quy hoạch cảng biển Cà Ná, điều chỉnh quy hoạch ga đường sắt Cà Ná và bổ sung tuyến đường sắt kết nối từ ga Cà Ná đến KCN Cà Ná (Văn bản số 462/BGTVT-KHĐT ngày 13/01/2016, Thông báo số 521/TB-BGTVT ngày 01/9/2016). Hiện nay tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để cập nhật, điều chỉnh vào các quy hoạch liên quan theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải. Việc phát triển cảng biển và tuyến đường sắt kết nối với cảng Cà Ná không chỉ phục vụ cho dự án của Tập đoàn Hoa Sen mà đây là cảng tổng hợp đa mục tiêu phục vụ cho các nhu cầu xuất – nhập hàng hóa khác của tỉnh theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được duyệt.

4. Về vấn đề công nghệ và môi trường:

a) Về công nghệ:

Hiện nay nhà đầu tư chưa đề xuất cụ thể về công nghệ, tuy nhiên theo yêu cầu hiện nay đặt ra cho dự án thì công nghệ sản xuất được lựa chọn phải kiểm soát và xử lý được ô nhiễm thải ra từ quy trình sản xuất, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường.

b) Về môi trường:

Việc đảm bảo môi trường là yêu cầu tiên quyết đặt ra cho các dự án, đặc biệt là các dự án ven biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm soát và bảo vệ môi trường ngày 24/8/2016 vừa qua. Sự kiện môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua đặt ra yêu cầu rất lớn cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc trong việc kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt khi thu hút các dự án đầu tư.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chiều ngày 27/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các Bộ ngành đánh giá tác động môi trường một cách kỹ càng, nghiêm khắc trước khi cấp phép và chỉ thực hiện khi sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại và đặc biệt là không được xả nước thải ra biển.

Trong quá trình xin ý kiến thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Ninh Thuận và nhà đầu tư sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền rà soát, đánh giá kỹ các tác động của dự án đến môi trường ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, gắn với công nghệ sản xuất thép và công nghệ xử lý chất thải của dự án được yêu cầu mô tả cụ thể, rõ ràng từ nhà đầu tư. Đồng thời báo cáo ĐTM của dự án sẽ được tổ chức tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến các bên liên quan theo đúng quy định trước khi trình duyệt.

Quá trình triển khai xây dựng, chạy thử và đưa vào vận hành dự án, công tác tư vấn, giám sát chặt chẽ các khâu liên quan đến môi trường sẽ được các cơ quan giám sát Trung ương và địa phương thực hiện chặt chẽ, đồng bộ để đảm bảo các giải pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM) được thực hiện đầy đủ, vận hành theo phương án được duyệt.

IV. Quan điểm của tỉnh Ninh Thuận về dự án:

Từ những phân tích đánh giá trên cùng sự thận trọng trong các bước đi, nhất là cam kết mạnh mẽ về vấn đề môi trường, công nghệ và sử dụng nước trước Thủ tướng Chính phủ (của nhà đầu tư), UBND tỉnh Ninh Thuận xác định rõ quan điểm đối với dự án là: “Ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nếu dự án đáp ứng các yêu cầu về môi trường, công nghệ tiên tiến kiểm soát được môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện dự án sẽ theo từng giai đoạn, sau khi các giai đoạn trước vận hành ổn định, đảm bảo về môi trường mới cho tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo”.

Hiện nay dự án đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, nhà đầu tư cùng các các cơ quan của tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trước khi trình lấy ý kiến các Bộ ngành theo quy định của Luật Đầu tư. Trên cơ sở ý kiến góp ý, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ hoàn chỉnh, trình các Bộ ngành thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án theo đúng trình tự pháp luật quy định.

Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, thu hút đầu tư trong những năm qua còn hạn chế, việc thực hiện dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng sẵn có, tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp của tỉnh, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và cả nước. Do đó Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất và ủng hộ chủ trương cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án này nếu đảm bảo các yêu cầu về môi trường và công nghệ như đã nêu trên.

Tại Việt Nam, Hoa Sen là Tập đoàn có kinh nghiệm, thương hiệu, năng lực và quyết tâm thực hiện dự án; được Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương ủng hộ trong việc xây dựng và phát triển nền công nghiệp sản xuất thép quốc gia. Cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế như TPP, AFTA, ... dự báo nhu cầu tiêu thụ thép Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới và theo phân tích thì tại thời điểm triển khai, dự án có suất đầu tư thấp nhất. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả đầu tư của dự án. Do đó Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cam kết cùng nhà đầu tư đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án trên và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án nếu được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận mong muốn nhận được sự ủng hộ của các cơ quan báo chí đối với sự phát triển của tỉnh, đồng thời khẳng định trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo môi trường và phát triển bền vững cho tỉnh Ninh Thuận và cả nước.

(1) Tầm nhìn dự kiến giai đoạn 2028 - 2031

(2) Ước tính với quy mô sản xuất 1 triệu tấn thép sẽ đóng góp cho ngân sách từ 50-100 triệu USD (tạm tính với quy mô 10 triệu tấn thép dự kiến khả năng nộp NS hàng năm khoảng 500 triệu-1 tỷ USD). Hiện nay, nhà máy Thép Hoa Sen tại Bình Dương quy mô SX 1 triệu tấn thép/năm, nộp ngân sách hàng năm khoảng 70 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng)

(3) Thuế VAT ngành thép được tính 10% trên doanh thu, ước tính SX 10 triệu tấn thép, doanh thu đạt khoảng 7-10 tỷ USD, nếu nhân 10% thuế VAT, ước tính hàng năm thu từ thuế VAT đầu ra đạt khoảng 700 triệu USD (chưa trừ thuế VAT đầu vào)

(4) Năm 2015, nguồn thu Hải quan Hà Tĩnh qua cảng Sơn Dương 90% là thu từ nhập khẩu của dự án thép Formosa với mức nộp NS 4.500 tỷ (chủ yếu là thuế VAT). Ngoài ra, dự kiến tại cảng Cà Ná, nếu hình thành tổng kho xăng dầu quy mô 50.000 m3, dự kiến sẽ nộp NS khoảng 1.000 tỷ đồng (gồm phí môi trường, thuế VAT, thuế TTĐB, thuế thu nhập DN, ...)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thủ tướng nêu các ‘từ khóa’ kích hoạt kinh tế tư nhân.(05/05/2019 2:47 SA)

Năng lượng tái tạo “cú huých” phát triển kinh tế trong tương lai.(05/05/2019 2:46 SA)

Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu du lịch Mũi Dinh...(14/07/2017 1:58 SA)

Hội thảo về vai trò của điện hạt nhân trong đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.(04/09/2015 12:49 SA)

Quy định tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.(04/09/2015 12:49 SA)