Xã Cà Ná (huyện Thuận Nam) đang phấn đấu về đích nông
thôn mới (NTM) trong năm 2016. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy
nội lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân,
đến nay, Cà Ná cơ bản đạt 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia NTM,
trong đó 2 tiêu chí trường học và chợ đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Đồng chí Phan Thành Sơn, Chủ tịch UBND
xã Cà Ná, cho biết: Một trong những bài học thành công của Cà Ná khi
triển khai xây dựng NTM là xác định được thực trạng các tiêu chí để từ
đó tập trung đầu tư. Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người
dân, trên cơ sở thảo luận, Ban chỉ đạo xã đã xây dựng Đề án Xây dựng
NTM, trong đó vạch ra lộ trình mỗi năm hoàn thành 2-3 tiêu chí để cuối
năm 2015 thực hiện xong 16 tiêu chí và đăng ký về đích năm 2016.
Một góc đường trung tâm xã Cà Ná ngày nay.
Để
dẫn chứng, đồng chí Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi “mục sở thị” trên
những con đường nhựa hóa, bê-tông khang trang, sạch sẽ vào tận các ngõ
xóm, bức tranh cuộc sống vùng biển tươi đẹp hơn rất nhiều. Mới chỉ cách
đây vài năm, các hộ dân thôn Lạc Nghiệp 1 còn phải đi lại trên tuyến
đường chạy dài gần 2 km gập gềnh và chật hẹp, nhưng từ khi xã bắt tay
vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và
Nhân dân cùng làm”, tuyến đường vào thôn Lạc Nghiệp 1 đã được đầu tư mở
rộng và kiên cố hóa. Và ngay đầu năm 2016, Nhà văn hóa thôn cũng được
đầu tư xây dựng mới, góp phần để xã hoàn thiện tiêu chí số 6 về cơ sở
vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.
Bên
cạnh củng cố các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, một trong những điểm mạnh
của xã Cà Ná trong quá trình xây dựng và về đích NTM là chú trọng phát
triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, xã đã tập trung
chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngư nghiệp, tổ chức lại sản xuất
theo hướng hiện đại. Năng lực tàu thuyền được đầu tư và đóng mới, cải
hoán, trang thiết bị đủ sức vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường xa bờ,
sản lượng khai thác hải sản hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Nhiều cơ
sở sản xuất, chế biến được xây dựng, đặc biệt là xây dựng được Hợp tác
xã chế biến nước mắm, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm truyền thống.
Đến nay, toàn xã có 138 cơ sở với gần 700 lao động tham gia chủ yếu tập
trung vào chế biến nước mắm, chế biến cá hấp khô và đông lạnh xuất khẩu,
đóng sửa tàu thuyền, sản xuất nước đá... Hoạt động thương mại, dịch vụ
trên địa bàn xã ổn định và phát triển, hơn 320 cơ sở với 1.300 lao động
chủ yếu tập trung tại khu vực cảng cá, dọc tuyến Quốc lộ 1A, các nhà
hàng, khách sạn đã lấp kín khu quy hoạch du lịch biển Cà Ná, chất lượng
phục vụ ngày càng được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm, chuyển
dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nếu thu nhập năm 2012, bình quân đạt
25 triệu đồng/người thì năm 2015 lên 55 triệu đồng/người, giảm tỷ lệ hộ
nghèo từ 10% năm 2012 xuống còn 4,9% năm 2015.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng, đoàn viên, thanh niên xã Cà Ná dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư.
Song
song với đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, Cà Ná cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và xây
dựng môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Trong 5 năm, xã đầu tư trên
22 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất 3 trường học, trạm xá, góp phần
để 2 trường và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, xã cũng huy động
hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ xã đến thôn;
phong trào huy động sức dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường các
tuyến đường thôn, xóm được quan tâm và không ngừng củng cố. Đồng chí
Phan Thành Sơn cho biết thêm: Trong tổng số 28,524 tỷ đồng mà xã đã huy
động để hoàn thành mục tiêu về đích NTM, người dân đóng góp 12,191 tỷ
đồng, chiếm 42,7% tổng nguồn lực đã khẳng định vai trò chủ thể và sự
đồng thuận cao của người dân. Để xây dựng NTM, bình quân mỗi người dân
góp 1,2 triệu đồng, ngoài ra còn hiến hàng nghìn m2 đất, không ngại khó,
suy bì hơn thiệt đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để làm đường…
Mong
muốn của Đảng bộ và nhân dân xã Cà Ná là phải phấn đấu để trở thành xã
đạt chuẩn tiêu biểu. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, xã còn nhiều việc
phải làm. Cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu
chí đã đạt, địa phương tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế trong
quá trình chỉ đạo; tiếp tục có giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như
sự chênh lệch về thu nhập giữa các hộ. Có như vậy thì chất lượng cuộc
sống của người dân mới được nâng lên, tạo cơ sở, tiền đề thực hiện mục
tiêu NTM trong giai đoạn tiếp theo.