107 người đang online
°

Thuận Nam nỗ lực trở thành vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của tỉnh

Đăng ngày 25 - 11 - 2023
Lượt xem: 348
100%

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, Thuận Nam đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực phát triển để trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

(Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam. Ảnh: Văn MIên)

 

Điểm sáng kinh tế

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Thuận Nam đã ban hành các chương trình, kế hoạch (KH) triển khai thực hiện. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thẩm định phê duyệt các quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền, cập nhật quy hoạch, KH sử dụng đất và phối hợp kêu gọi đầu tư được triển khai hiệu quả. Đến nay, có 20 dự án năng lượng tái tạo (15 dự án điện mặt trời và 5 điện gió) đã hoàn thành và phát điện với công suất 1.511 MW. Cảng biển tổng hợp Cà Ná với quy mô có thể tiếp nhận tàu lên đến 300.000 tấn, trong đó đã đưa vào vận hành khai thác giai đoạn I (bến 1A) quy mô 100.000 tấn. Khu công nghiệp (CN) Phước Nam giai đoạn I (151 ha/370 ha) đã thu hút được 11 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 217,5 tỷ đồng. Đang triển khai đầu tư: Khu đô thị Đầm Cà Ná, đường Văn Lâm - Sơn Hải, đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, Cụm CN Hiếu Thiện. Đang hoàn tất thủ để triển khai thực hiện đầu tư: Khu CN Cà Ná giai đoạn I (378 ha/827,2 ha), Khu du lịch sinh thái Cà Ná Star, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận. Đang kêu gọi đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm CN Phước Minh 1, Phước Minh 2, Cụm CN chế biến thủy sản tập trung Phước Minh, Trung tâm diện khí LNG Cà Ná giai đoạn I (1.500 MW)...

Đồng thời, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện thông qua các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, cân đối ngân sách địa phương... huyện đã tập trung thực hiện đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng; nâng cấp mạng lưới trường lớp học theo hướng đạt chuẩn cơ sở vật chất và hoàn thiện theo chuẩn quốc gia (7/8 xã đạt chuẩn cơ sở vật chất); thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất văn hóa (8/8 xã đạt); cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (7/8 xã đạt)... nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho địa phương.

Kết quả, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, KT-XH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 3 năm tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện hơn 20.130 tỷ đồng, bằng 95,2% KH (KH 5 năm là 21.146 tỷ đồng); bình quân mỗi năm ước đạt 6.710 tỷ đồng, đạt 132% KH (KH năm 2025 là 5.069 tỷ). Tổng thu ngân sách trên địa bàn trung bình mỗi năm đạt 92 tỷ đồng, đạt 140% KH (KH thu năm 2025 là 66 tỷ đồng). Tính chung trong 3 năm (2021-2023) ước đạt 277 tỷ đồng, bằng 100% KH (KH 5 năm là 276 tỷ đồng). Tăng trưởng kinh tế được duy trì, một số lĩnh vực phát triển; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CN, dịch vụ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật KT-XH được quan tâm đầu tư. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả, an ninh trật tự đảm bảo. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng ngày càng được đổi mới, làm việc có trọng tâm, trọng điểm; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp được tăng cường, chặt chẽ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Chặng đường về đích

Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam, cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra, nhất là đưa Thuận Nam trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, trong thời gian đến, địa phướng bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các nghị quyết chuyên đề, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; xây dựng cơ chế, công tác phối hợp giữa Huyện ủy với các sở, ban, ngành của tỉnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh và bền vững, xác định kinh tế biển là động lực, công nghiệp năng lượng là thế mạnh. Tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện các biện pháp thu hút, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đến đầu tư trong huyện; chủ động và tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm CN phía Nam của tỉnh.

Sản xuất muối công nghiệp ở thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh, (Thuận Nam). Ảnh: A.Thi

Để Thuận Nam sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, huyện cũng kiến nghị tỉnh quan tâm kêu gọi và ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, nhất là dự án trọng điểm như: Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná gắn với cảng biển Cà Ná, dự án tổng kho xăng dầu Cà Ná, các khu, cụm CN, dự án cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics và các dự án du lịch ven biển,... để tạo động lực xây dựng phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Quan tâm đầu tư hệ thống chuyển nước từ hồ Sông Than đến khu vực ven biển và Khu CN Cà Ná từ các nguồn vốn hợp pháp để đảm bảo nhu cầu cấp nước cho các dự án trọng điểm phía Nam, nhất là nước cho phát triển CN và du lịch, đô thị ven biển. Tăng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương; có giải pháp thu hút nhiều nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; thực hiện các biện pháp thu hút, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư trong huyện. Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển; ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển... ưu tiên phát triển du lịch theo hướng phát huy lợi thế về biển để đầu tư phát triển ngành du lịch, dịch vụ gắn với biển của huyện Thuận Nam. Chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm tiến độ. Thu hồi các dự án chậm triển khai thực hiện, cũng như tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn huyện. Sớm thực hiện lập quy hoạch phân khu khu du lịch ven biển để làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

 

 

Tin liên quan

Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác...(12/03/2024 5:23 CH)

Kế hoạch đột phá về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh...(12/03/2024 5:11 CH)

DANH SÁCH THÀNH VIÊN TỔ CÔNG TÁC THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CHO HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH...(25/10/2023 3:11 CH)

Thuận Nam thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...(25/10/2023 2:47 CH)

Thuận Nam gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn xã Cà Ná và Phước Diêm(18/10/2023 6:22 CH)

Tin mới nhất

Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác...(12/03/2024 5:23 CH)

Kế hoạch đột phá về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh...(12/03/2024 5:11 CH)

DANH SÁCH THÀNH VIÊN TỔ CÔNG TÁC THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CHO HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH...(25/10/2023 3:11 CH)

Thuận Nam thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...(25/10/2023 2:47 CH)

Thuận Nam gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn xã Cà Ná và Phước Diêm(18/10/2023 6:22 CH)