Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật huyện triển khai một số văn bản tiêu biểu tháng 01 năm 2022
1. Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) tự mình hoặc theo yêu cầu của người khác phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Không đúng đối tượng vi phạm (quy định mới);
- Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;
- Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;
- Trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính (quy định mới);
- Trường hợp xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính (quy định mới);
- Trường hợp giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Trường hợp có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm;
- Trường hợp không ra quyết định xử phạt.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017.
2. gày 24/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2021/NĐ-CP áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Theo đó, từ 01/01/2022, bổ sung thêm đối tượng phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sau:
Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
(Hiện hành, quy định đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường).
Ngoài ra, còn bổ sung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi sau đây nhưng không phải là tội phạm:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Chiếm giữ trái phép tài sản
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác
- Đua xe trái phép
Nghị định 120/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định 111/2013/NĐ-CP và Nghị định 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC lĩnh vực y tế, trong đó, sửa một số quy định xử phạt hành chính liên quan Covid-19.
Cụ thể, một số quy định xử phạt hành chính liên quan đến phòng chống Covid-19 được sửa đổi, bổ sung, đơn cử như:
- Quy định chi tiết hơn hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân trong phòng chống dịch (Điểm a khoản 5 Điều 2):
Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác.
Hành vi này bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi:
Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế khi ra vào vùng dịch thuộc nhóm A. (Điểm c khoản 5 Điều 2)
(Hiện hành, không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A).
- Bổ sung chi tiết hơn các văn bản công bố tình trạng khẩn cấp về dịch (Điểm d khoản 5 Điều 2), cụ thể:
Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo các nghị quyết, quyết định, chỉ thị và văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.
Hành vi này bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Nghị định 124/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.