76 người đang online
°

Miếu Oan - Một nét nhân văn trong văn hóa tâm linh của ngư dân làng chài Sơn Hải

Đăng ngày 05 - 02 - 2015
Lượt xem: 1.068
100%

 

Mũi Dinh chín vạy rất kinh
Thủy ba sóng dậy như ngư linh hóa rồng”

Câu ca dao nói đến vùng đất thiêng có những đặc điểm về nguồn nước, thích hợp cho việc sản xuất đánh bắt hải sản; và ẩn sâu là cội nguồn, gốc rễ, nơi chứa đựng những nét văn hóa tâm linh đặc thù của một vùng miền mang đậm dấu ấn biển. Đó là vùng đất của những người di cư từ Phú Yên, điển hình là làng Từ Nham đi vào Mũi Dinh, cũng chính là làng chài Sơn Hải ngày nay.


Đường liên Miếu Oan

Nằm trong địa phận xã Phước Dinh có bờ biển kéo dài 25km, khu vực làng chài Sơn Hải có dãy núi chạy dài tới 15km sát biển, với bờ cát vàng, còn 10km lại có bờ là gành (ghềnh) đá chập chùng, nhô cao rồi lại xuống thấp. Rừng cây và đồi cát xen kẽ vào nhau tạo thành những eo, vịnh nhỏ rất thuận tiện cho ghe thuyền trú ẩn trong những ngày sóng to gió lớn. Có vẻ như thiên nhiên đã phần nào ưu ái, ban tặng cho nơi đây một ngư trường đánh bắt thủy hải sản hết sức phong phú. Bởi do địa hình cấu tạo đặc biệt với nhiều lỗ đá san hô (người dân ở đây thường gọi là rạn) là nơi lý tưởng cho các loài tôm, cua, cá, mực… đến cư trú và sinh sản. Hơn nữa, trong nó còn nhiều câu chuyện ẩn chứa màu sắc linh thiêng về muôn thú, thánh thần giữa chốn núi rừng và biển cả, về tục thờ thần Nam Hải, Thần Hoàng làng, Tiền Hiền, Hậu Hiền… và cả việc thờ cúng Cô Hồn tại khu vực miếu Oan.

Miếu Oan còn được người dân địa phương gọi là chùa Oan nằm chệch về hướng Nam, giữa lưng chừng của ngọn Mũi Dinh và cách khu vực làng chài Sơn Hải khoảng 7km. Ngôi miếu vốn chỉ là một hang đá nhỏ khoảng chừng 4m2, bên trong có 2 trụ cột được khắc nổi như hình rồng. Với đặc trưng nghề sông nước phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió nên đời sống sản xuất của ngư dân làng chài Sơn Hải luôn gắn chặt với niềm tin tâm linh. Họ lấy đó làm chỗ dựa tinh thần để cân bằng cuộc sống. Từ nguồn gốc là làng Từ Nham thuộc huyện Sông Cầu, Phú Yên có Gành Bà thiêng nổi tiếng. Tại đó, có rất nhiều lăng, miếu thờ cúng và tôn vinh các vị thần biển, vị thần tiếp biến, điển hình như Lăng Bà thờ cúng nữ thần Thiên Y Ana có nguồn gốc từ người Chăm. Các ghe thuyền khi đi ngang qua Gành Bà đều neo lại, bạn, lái tất cả đều lên bờ cúng vái rồi mới xuôi chèo, mát mái. Thời gian qua đi, nhiều thứ đã mất nhưng cái mang theo của người di dân vẫn là một đời sống biển giả gắn chặt với đời sống tâm linh của họ. Miếu Oan ở làng chài Sơn Hải ngày nay cũng vậy, tất cả mọi ghe thuyền bất kể từ đâu đến khi ngang qua đều tấp vào thắp nén hương, khấn vái rồi mới tiếp tục chuyến vươn khơi. Những khi trở về với mẻ cá đầy thì ngư dân lại thầm biết ơn cho rằng vì có sự phù hộ độ trì ấy.

Từ trên Miếu Oan nhìn xuống

Theo lời kể của ông Ba, người đang sinh sống và gìn giữ ngôi miếu Oan này cho biết thì trước đó rất lâu ngôi miếu bị khuất lấp giữa những tán cây rậm rạp. Ở giữa miếu có những tảng đá nhỏ như thờ các vong linh, hiện nay không còn nữa; thay vào đó người ta thờ Phật và nhiều vị thần, thể hiện một nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Xung quanh được tìm thấy nhiều bộ hài cốt mà theo phỏng đoán là của người Chăm cổ. Sau này, ngày càng có nhiều ghe thuyền ăn nên làm ra, người dân bắt đầu tích góp xây dựng ngôi miếu nhỏ lúc trước ngày một khang trang hơn. Cứ mỗi tháng 2 lần vào mồng một và 15 âm lịch, ngư dân lại mang bánh trái, nhang khói lên cúng kính. Đặc biệt vào rằm tháng 7 ở đây lễ cúng “Các Bác” được tổ chức lớn hơn lệ thường, ghe thuyền ở xa hay ngư dân trong làng có dịp đều ghé đến dâng cúng. Vì thế, nên mặc dù ở trên cao hẻo lánh nhưng miếu Oan quanh năm vẫn luôn có khói hương ấm áp.

Đây là một nét nhân văn mà những người dân di cư đã mang vào vùng đất này. Bởi vì đối với những người di cư, họ luôn tôn trọng những nét văn hóa tại vùng đất họ mới đến. Nên thường họ vẫn thờ những vị thần bản địa và cả những vong linh vô chủ, lưu lạc đã lâu không còn ai thờ tự, cúng quảy kể cả người Kinh lẫn người Chăm. Miếu Oan là một cách ứng xử của người mới đến đối với người bản địa xưa đã khuất. Và họ tin rằng với sự thành tâm ấy, họ cũng sẽ được phù hộ, độ trì để có được cuộc sống bình yên.

Người dân Sơn Hải vẫn thường truyền nhau câu ca dao: “Mãn mùa cá nục xa chà/ Bạn đà xa chợ, anh đà xa em”. Rõ ràng Sơn Hải chính là “điểm hẹn” để bước vào ngày mùa cá cơm, cá nục của các nghề lưới đen, lưới đăng giữa tỉnh Phú Yên với Ninh Thuận, của làng Từ Nham với Sơn Hải mà Sơn Hải không bao giờ quên về nguồn cội của mình nơi vùng đất mới.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đặc sắc thắng cảnh Cà Ná(04/02/2018 2:17 SA)

Giải đua xe địa hình Ninh Thuận (25/09/2017 2:03 SA)

Thuận Nam tổ chức Viếng nghĩa trang Liệt sỹ huyện.(24/07/2017 1:59 SA)

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi thăm và chúc Tết.(19/01/2017 1:41 SA)

Lễ hội Katê năm 2016 trên quê hương Ninh Thuận(02/10/2016 1:32 SA)