Ninh Thuận phê duyệt Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tỉnh Ninh Thuận hướng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh.

       UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt  Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

       Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu của đề án là xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh.

       Đề án cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; cảng và dịch vụ cảng; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

       Mục tiêu tỉnh Ninh Thuận đề ra đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về tốc độ tăng trưởng bình quân (GRDP); là đến năm 2025, tỷ trọng của vùng này chiếm khoảng 28- 29% GRDP của tỉnh Ninh Thuận, con số này đến năm 2030 là 50-51%.

       Để thực hiện đề án, tỉnh Ninh Thuận xác định nhiệm vụ trọng tâm về phát triển các ngành kinh tế như đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Dự án Điện gió, điện mặt trời đang triển khai; thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII; nhất là hình thành tổ hợp Trung tâm điện khí LNG.

       Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam để phát triển các ngành lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao; sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

       Đối với Khu công nghiệp Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng; công nghệ cơ khí, chế tạo; phát triển công nghiệp các ngành chế biến muối và sản phẩm sau muối, hóa dược thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường...; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 70%.

       Về phát triển đô thị, tỉnh Ninh Thuận hình thành Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị phía Đông – Tây Quốc lộ 1A, Khu đô thị mới Phước Diêm; các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná theo hướng hiện đại; với tam giác phát triển là Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải.

       Trong đó, tỉnh Ninh Thuận tập trung ưu tiên phát triển Khu đô thị Cà Ná, tạo động lực phát triển trong định hướng phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam.

       Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu là tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường liên thông, kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam.

       Theo đó, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường nối từ cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển Cà Ná; sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Cà Ná có trọng tải đến 300.000 DWT; nâng cấp các tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, QL1A – Phước Hà – Ma Nới; đường nối từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná.

       Để thực hiện đề án này, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư vùng trọng điểm phía Nam là khoảng 70-80 ngàn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 40-45 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 30-35 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.126 tỷ đồng (chiếm 6,4%), nguồn vốn huy động các thành phần kinh tế và xã hội hóa 74.574 tỷ đồng (chiếm 93,6%).

 

Nguồn báo Đầu tư online (https://baodautu.vn)