Thuận Nam qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, theo đó Huyện ủy Thuận Nam luôn xác định chính sách an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Từ năm 2012 đến nay Trung ương, tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách áp dụng cho miền núi, xã đặc biệt khó khăn, các chính sách đã bao trùm trên nhiều ngành, lĩnh vực và các vấn đề của đời sống xã hội, các chính sách đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ngày càng được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ cơ bản xã hội; công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công được đảm bảo. Đến nay cơ bản gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 08/08 xã được công nhận là xã thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ. Kịp thời giải quyết hồ sơ, thực hiện chế độ chính sách cho người có công; tổng kinh phí đã chi trả trợ cấp ưu đãi người có công một lần trên 13 tỷ đồng và chi trả hàng tháng trên 89 tỷ đồng; hỗ trợ về xây mới và sửa chữa nhà ở là 348 căn, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; hàng năm đã cấp phát trên 500 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người có công và thân nhân người có công, tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. Đã giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 22.592 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 2.259 lao động; lao động đi làm việc tại nước ngoài 89 lao động; tổ chức chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 16.383 lượt người, với kinh phí thực hiện là 79,2 tỷ đồng. Thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong thời gian qua cùng với sự hỗ trợ của UB MTTQVN cấp trên, các nhà tài trợ và nguồn Quỹ ”Vì người nghèo” của huyện đã xây dựng được 852 căn nhà theo chương trình 167 của Chính phủ và 10 căn nhà ở mái ấm tình thương...

 

Thời gian đến huyện ủy Thuận Nam đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như sau: tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, đến năm 2030, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân, cụ thể phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới từ 1,7-2% hộ nghèo/năm, riêng xã Phước Hà giảm từ 10% trở lên. Giảm tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt chiều việc làm còn dưới 30%. 100% hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, 100% hộ gia đình nghèo, cận nghèo có người ốm đau được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước; 75% hộ nghèo có người từ 15 đến dưới 30 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở; trên 98% hộ nghèo có trẻ em trong độ tuổi đi học được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi; Có khoảng 90% hộ nghèo có nhà ở đảm bảo chất lượng; 80% hộ nghèo đảm bảo về diện tích nhà ở theo quy định; 98% hộ nghèo tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt; Có khoảng 85% hộ nghèo có hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; 85% hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông; 95% hộ nghèo có thiết bị phục vụ tiếp cận thông tin. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách thu nhập với các vùng trong huyện; phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm. Tập trung ngân sách để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Tập trung nguồn lực để giảm mạnh tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn trên toàn huyện. Quản lý, sử dụng lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần nâng cao mức sống gia đình người có công cách mạng bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú…

 

Phan Thủy