Tổng kết Mô hình “Trồng dưa lưới công nghệ cao” tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam

Sáng ngày 28/12/2021, Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Phước Hà tổ chức tổng kết Mô hình “Trồng dưa lưới công nghệ cao” tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam. Đến dự có đồng chí Diệp Minh Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Nam; lãnh đạo: Phòng Quản lý chuyên ngành Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Thuận Nam và cấp ủy chính quyền, 15 hộ nông dân xã Nhị Hà tham gia mô hình và đại diện chính quyền các xã Phước Hà, Phước Ninh, Phước Minh, Phước Nam và Phước Dinh.

          Mô hình “Trồng dưa lưới công nghệ cao” được triển khai từ đầu năm 2021, với quy mô 4.224m2, tại 2 xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn và xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam. Trong đó, tại xã Nhị Hà, mô hình được thực hiện tại Công ty TNHH Fara Farm của ông Phạm Võ Uyên Bác – thôn 3, xã Nhị Hà, với quy mô 2.112m2, giống dưa được sử dụng là giống Dưa lê ML238 ( vân lưới), nhà nước hỗ trợ 40% cho chi phí giống, vật tư phân bón, thiết bị nhà màng...

          Qua thời gian triển khai mô hình, tỷ lệ cây sống đạt 98%, tất cả đều sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng quả ước đạt 1,2kg/quả, năng suất thu hoạch ước đạt 20 tấn/ha.  Ông Phạm Võ Uyên Bác cho biết:“ Hệ thống nhà màng này được đầu tư theo hướng đầu tư công nghệ cao, so với cách làm truyền thống, thì những nhà màng đầu tư bài bản thế này nó giúp mình kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và thời tiết bất lợi, dĩ nhiên đầu tư giá thành cao nhưng ngược lại năng suất cao và ổn định hơn, nếu trồng dưa trong hệ thống này có thể 1 năm làm được 4 vụ, năng suất khoảng 2 tấn hoặc 2 tấn rưỡi trên 1 nghìn mét vuông, hằng năm cho thu nhập ổn định”.

          Việc đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao tạo bước đột phá lớn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm thiệt hại do thời tiết, tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng, tăng thu nhập kinh tế, thay đổi tập quán canh tác truyền thống hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy, nhiều hộ nông dân đã tỏ ra phấn khởi với mô hình này. Ông Võ Văn Hải  - Hộ nông dân Thôn 3, Nhị Hà, Thuận Nam chia sẻ: “ Sau khi tham quan và nghe trình bày mô hình, tôi thấy mô hình này mới, công nghệ hiện đại, gia đình tôi và bà con ở đây rất thích, nó tiến bộ hơn các phương thức sản xuất nông nghiệp khác, tôi thấy phấn khởi vì nó sạch, đẹp và hiện đại. Bà con chúng tôi đang tìm hiểu công nghệ cao để sau này đầu tư, làm theo mô hình mới này” .

          Mô hình được canh tác theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và thảo mộc, nên nó không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, sức khỏe cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cải thiện môi trường, tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Đây cũng là một hướng đi mới cho bà con nông dân không chỉ tại huyện Thuận Nam mà còn cho các địa phương khác của tỉnh Ninh Thuận; vừa phù hợp với chủ trương, định hướng chuyển đổi cây trồng của tỉnh, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của huyện Thuận Nam cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh công tác triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Thuận Nam trong thời gian tới.

Huy Vũ