Thuận Nam sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 14 của Tỉnh ủy về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chỉ thị 14-CT/TU ngày 16/5/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa” trên địa bàn huyện Thuận Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn huyện có 03 di tích lịch sử được công nhận cấp tỉnh gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Lạc Nghiệp (thuộc xã Cà Nà); di tích lịch sử cách mạng CK7 (thuộc xã Nhị Hà); di tích Nhà tưởng niệm thôn Thạnh Đức (sự kiện thảm sát nhân dân làng Thạnh Đức năm 1947 tại thôn Thiện Đức, xã Phước Ninh).

Bên cạnh đó, còn có các đền thờ người Chăm như đền thờ Chăm Bà ni; Thánh đường 101; Thánh đường 102 (xã Phước Nam) của những tín đồ theo đạo Islam; các đình làng; di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn các xã đã được nhân dân quan tâm giữ gìn các giá trị kiến trúc và văn hóa truyền thống. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo công tác bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử văn hóa của địa phương, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân và các tổ chức huy động nguồn vốn để trùng tu, sửa chữa những di tích đã xuống cấp. Các di tích được công nhận xếp hạng đều được chính quyền địa phương thành lập Ban quản lý di tích, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích.

Cùng với các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng dân cư thông qua việc tổ chức lễ hội. Hiện nay, lễ hội Cầu Ngư ở 02 xã Phước Dinh và Cà Ná đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; và nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm như lễ hội đua thuyền rồng truyền thống vào dịp đầu xuân năm mới; lễ hội đình làng; Tết Ramuwan của người Chăm Bàni theo đạo Hồi giáo (xã Phước Nam); Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn (xã Phước Ninh); Lễ hội ăn đầu lúa mới của người Raglay (xã Phước Hà)…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa vẫn còn một số hạn chế như: việc quy hoạch các di tích ở địa phương còn chậm, một số di tích chỉ tập trung khai thác mà chưa chú trọng đến công tác bảo tồn, tôn tạo, công tác điều tra, sưu tầm vốn văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy kịp thời các di sản văn hóa phi vật thể trong đời sóng nhân dân; việc mất cắp di vật, cổ vật trong các di tích ở một số nơi vẫn còn xảy ra; các hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống có lúc có nơi còn pha trộn tôn giáo…

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di sản văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học, trong đó đặc biệt lưu ý tới công tác bảo tồn truyền bá các loại hình văn hóa cổ truyền như văn hóa, văn học nghệ thuật Chăm, Raglay, nghệ thuật truyền thống vùng biển; truyền dạy hát dân ca Chăm; hát Sử thi Raglay; dạy sử dụng nhạc cụ Mã La; Hát dân ca; múa truyền thống dân tộc Chăm; Raglay; hòa tấu nhạc cụ Mã La; hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm; hát bài chòi (Phước Dinh)….Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật, văn bia. Tăng cường công tác quản lý các lễ hội truyền thống; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.

Kiều Oanh