Năng lượng tái tạo “cú huých” phát triển kinh tế trong tương lai.

Sở hữu tiềm năng nắng và gió lớn nhất cả nước, cùng với những cơ chế ưu đãi, thủ tục hành chính thông thoáng, Ninh Thuận đang có sự chuyển mình ấn tượng với những bước đi vững vàng trên hành trình trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế về nắng và gió, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta ưu tiên đưa cụm ngành năng lượng lên hàng đầu để đầu tư phát triển, với tham vọng sau năm 2020 cụm ngành này đóng góp khoảng 11% GRDP của tỉnh, giải quyết từ 5 – 8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh ta đã lập các quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời trình Bộ Công Thương phê duyệt.

3 nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn BIM (Thuận Nam) chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Ảnh: Hữu Phương

Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 khu vực được quy hoạch phát triển điện gió với tổng công suất khoảng 1.429 MW, tổng diện tích khoảng 21.432 ha. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, có 79 địa điểm với quy mô công suất khoảng 10.476 MWp (tương đương 8.381 MW). Dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, trong khâu xét duyệt ở mỗi dự án tỉnh có sự chọn lọc về chất lượng, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và quyết tâm cao nhất để thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời gắn với thực thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự an tâm, tin tưởng của các nhà đầu tư, đến nay ở lĩnh vực điện gió có 13 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư quy mô công suất trên 700MW, trong đó có 3 dự án là: Nhà máy Điện gió Đầm Nại, Nhà máy điện gió Mũi Dinh và Nhà máy Điện gió Trung Nam đã khởi công. Sau một thời gian triển khai, hiện nay Nhà máy Điện gió Đầm Nại giai đoạn 1 và Nhà máy điện gió Mũi Dinh đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 45,6 MW. Đối với điện mặt trời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch cho 48 dự án, tổng quy mô công suất trên 2.748 MW, trong đó có 32 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất trên 1.900MW. Hiện nay, có 2 dự án đã đi vào hoạt động, 14 dự án đã tiến hành khởi công xây dựng đạt tiến độ.

Điện gió Trung Nam Group giai đoạn 1 tại huyện Thuận Bắc chính thức hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: Văn Nỷ

Đến thăm các công trình điện gió, điện mặt trời nằm trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn vào những ngày đầu tháng Tư, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc của đội ngũ công nhân hết sức khẩn trương. Rất nhiều nhà đầu tư sau khi được tỉnh bàn giao đất đã thể hiện rõ năng lực, quyết tâm hoàn thành dự án để hòa lưới điện quốc gia trong năm 2019. Ông Nguyễn Đức Phấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Bim cho biết: Công ty chúng tôi đang đầu tư Dự án điện mặt trời Bim 1, 2, 3 có tổng công suất 250MW trên diện tích 247 ha tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Khi đến Ninh Thuận chúng tôi thật sự hài lòng và bị thuyết phục bởi đây không chỉ là vùng đất đầy tiềm năng mà các chính sách thu hút đầu tư cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Trong quá trình thi công, chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất nhiều để dự án đảm bảo tiến độ. Chúng tôi cam kết chậm nhất đến tháng 6 tới dự án sẽ hoàn thành để hòa vào lưới điện quốc gia. Qua rà soát, dự kiến trong tháng 4 này, một số dự án: Điện gió Trung Nam giai đoạn 1; điện mặt trời Trung Nam; Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ sẽ tổ chức khánh thành. Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời như: Gelex; Phước Hữu-Điện lực 1,… cũng đang khẩn trương tập trung thi công để phấn đấu hoàn thành trước tháng 6-2019.

Xác định năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, hiện tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường theo dõi, giám sát tình hình triển khai các dự án; thực hiện tốt cơ chế phối hợp, tổ chức làm việc để kiểm tra, nhắc nhở kịp thời những doanh nghiệp có dấu hiệu chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kiến nghị và được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung thêm 2 dự án năng lượng là điện mặt trời Solar Farm công suất 28MW và Nhà máy thủy điện Phước Hòa công suất 20MW vào quy hoạch điện lực quốc gia. Mặt khác, tỉnh đang xem xét cho chủ trương xây dựng tuyến đường dây đấu nối 3 dự án gồm: Nhà máy điện mặt trời hồ Núi Một, Nhà máy thủy điện Tân Mỹ có công suất 10MW và Nhà máy thủy điện Tân Mỹ 2 có công suất 14MW; phương án đấu nối dự án Nhà máy điện gió 7A vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, chỉ đạo Sở Công Thương liên hệ với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng đề cương, dự toán chi phí xây dựng đề án để tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” trong tháng 4-2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với chính sách và tiến độ thu hút đầu tư như hiện nay, tương lai không xa Ninh Thuận sẽ trở thành “vương quốc” năng lượng tái tạo với hàng trăm tuabin phát điện từ sức gió và nhiều trang trại điện mặt trời sẽ mọc lên. Các nhà máy này khi đi vào hoạt động không chỉ sản xuất ra năng lượng sạch để cung cấp, bổ sung vào lưới điện quốc gia, trung bình mỗi trụ điện gió còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 1 tỷ đồng/năm và 1 ha điện mặt trời đóng góp khoảng 900 triệu đồng/năm. Nếu toàn bộ các dự án trên địa bàn hoàn thành, mỗi năm Ninh Thuận không chỉ có nguồn thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng từ các dự án năng lượng, mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch từ các cánh đồng điện gió, điện mặt trời, đây thực sự là “cú huých” thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển trong tương lai.

Dẫn nguồn Báo Ninh Thuận Online (NTO)