Thuận Nam chuyển mình phát triển

Về huyện Thuận Nam trong những ngày tháng Tư lịch sử, chạy xe trên tuyến đường ven biển qua các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, rồi ngược lên các xã vùng cao Phước Hà, Nhị Hà, chúng tôi nhận thấy những tên xóm, tên làng gắn liền với lịch sử năm xưa, nay đang khoác lên mình một diện mạo mới. Gặp lại chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy tự hào nói: Trong chiến tranh, dù phải chịu sự kìm kẹp, đàn áp của kẻ thù nhưng quân dân huyện Thuận Nam vẫn một lòng theo Đảng, bám đất, giữ làng, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đất nước thống nhất, bà con nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại quê hương


 Một góc huyện Thuận Nam (ảnh sưu tầm)

Là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, huyện Thuận Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế về địa lý. Ngoài cảng Cà Ná, Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc–Nam, đường ven biển đi qua và các khu, cụm công nghiệp như Phước Nam, Hiếu Thiện đang trong giai đoạn tập trung thu hút đầu tư, Thuận Nam còn là nơi được chọn để triển khai các Dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân số 1 của cả nước sẽ tạo cho địa phương một vị thế mới trong phát triển kinh tế. Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, ngoài việc chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành quy hoạch lại đất nông nghiệp, huyện còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng, có chính sách hỗ trợ nông dân cả vốn vay và kỹ thuật để phát triển sản xuất. Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vài năm gần đây, các công trình phúc lợi như: Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt,… trên địa bàn được phát triển. Nhiều công trình thủy lợi như: Hồ CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Tân Giang, Sông Biêu và hệ thống tưới tiêu được đầu tư. Nhờ đó, hàng ngàn ha đất hoang hóa trước đây ở các xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Nam, Phước Ninh giờ đã được bà con cải tạo trồng các loại cây: Lúa, bắp, nho, táo,... tạo thành những cánh đồng tươi tốt. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 23.700 tấn. Cùng với trồng trọt, các mô hình chăn nuôi cũng đang ngày càng phát triển. Toàn huyện đang có tổng đàn gia súc khoảng 70.500 con; trong đó, một số mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại vừa và nhỏ như: Chăn nuôi heo Chấn Phong, dê cừu ở Phước Minh hiện có tổng đàn hơn 4.000 con và một số trang trại gà với quy mô từ 500-1.000 con đang được hình thành.

Nét nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện Thuận Nam hôm nay, đó là địa phương đã phát huy có hiệu quả lợi thế từ biển, vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền đánh bắt hải sản. Hiện toàn huyện có trên 1.000 chiếc tàu thuyền các loại, với tổng công suất trên 150.000 CV. So với ngày tái lập tỉnh, số lượng tàu thuyền của địa phương tăng gấp khoảng 3 lần; sản lượng khai thác tăng theo từng năm, từ 32.500 tấn (năm 2010) đến nay đạt 47.000 tấn. Tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến ngư dân ở 2 xã Phước Diêm và Cà Ná. Cả 2 địa phương này hiện có gần 3.500 hộ sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, hàng năm đóng góp cho nguồn thu ngân sách của huyện hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Thuận Nam còn được biết đến là địa phương có thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Dọc theo tuyến biển thuộc các xã Phước Diêm, Cà Ná và Phước Dinh có hàng trăm ha diện tích đìa nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng được hình thành, với sản lượng khai thác đạt hàng ngàn tấn tôm thịt mỗi năm. Về sản xuất tôm giống, hiện địa phương có Trung tâm sản xuất giống Sơn Hải, quy mô rộng 30 ha, mỗi năm sản xuất trên 12 triệu con post.


Mùa cá ngư dân Thuận Nam (ảnh sưu tầm)

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, nhất là sau hơn 5 năm huyện được tái lập, bộ mặt của quê hương Thuận Nam đã có nhiều khởi sắc. Gần 100% hộ dân trong huyện đã có điện thắp sáng và mua sắm được phương tiện nghe nhìn. Công tác chăm lo đời sống văn hóa, giáo dục, y tế cho nhân dân luôn được quan tâm hơn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm còn 5,47%.

Phát huy những kết quả đạt được, trong những năm tiếp theo, huyện Thuận Nam xác định tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội theo hướng đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng tâm mà địa phương có lợi thế, tiềm năng như: Kinh tế biển, công nghiệp, năng lượng, chăn nuôi và chế biến thủy hải sản. Để đạt được mục tiêu đề ra, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện tập trung chuyển dịch hợp lý về cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại–dịch vụ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Trước mắt, khi tuyến đường ven biển hoàn thành sẽ phát huy thế mạnh, lợi thế của cảng cá Cà Ná để phát triển và đẩy nhanh các ngành nghề dịch vụ hậu cần phục vụ cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; đồng thời kết nối hạ tầng giao thông của địa phương qua đường ven biển với các khu vực trọng điểm về phát triển du lịch như: Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Chử,... để hình thành và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch bãi biển Cà Ná. Phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 10.770 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 18%; thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/năm theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Theo NTO