Thuận Nam: Trên đường phát triển

Thuận Nam được xem là quê hương của những địa danh anh dũng, những người con anh hùng đã đi vào huyền thoại của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc với hơn 2.600 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, trong đó có 38 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 499 liệt sỹ; 231 thương, bệnh binh... Trên con đường phát triển, Thuận Nam có lợi thế là nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị Quốc gia, có Quốc lộ 1 A đi qua, đường sắt Bắc Nam, đường ven biển, cảng nước sâu thuận lợi giao thông đường thủy.


Một góc huyện Thuận Nam. Ảnh: Thanh Long

Là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, có điều kiện thuận lợi trong việc kết nối phát triển kinh tế-xã hội với các huyện, thành phố trong tỉnh, khu vực trên hành lang ven biển của vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Là nơi đang triển khai chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 1 của cả nước sẽ tạo cho Thuận Nam một vị thế, vị trí chiến lược về kinh tế - chính trị - văn hóa - quốc phòng - an ninh hết sức quan trọng của tỉnh, vùng, cả nước và quốc tế. Bờ biển dài 43 km, với vùng lãnh hải rộng trên 7.200 km, trữ lượng hải sản lớn, thềm biển tương đối sâu, đáy biển có nhiều cát và san hô, nước biển có độ mặn cao và ổn định thuận lợi cho việc phát triển các ngành nghề khai thác, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối công nghiệp. Tài nguyên nước từ các hồ Tân giang, CK7, sông Biêu, Bầu ngứ, Suối lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào với Titan, đá granit, cát, sạn xây dựng, san hô, đất sét, cát thủy tinh...

Phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, cùng với những tiềm năng, thế mạnh được ưu đãi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Nam đã đồng lòng, chung sức vượt qua những khó khăn, thách thức của một huyện mới thành lập để từng bước ổn định, xây dựng quê hương. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh thế theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế; kịp thời điều chỉnh trọng tâm chỉ đạo, điều hành theo hướng duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Với những nỗ lực, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong huyện đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Qua gần 5 năm hoạt động, nhất là sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ 2011- 2015, Thuận Nam đã gặt hái được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.

Nổi bật lên cả là kinh tế phát triển và từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành từ năm 2011 đến nay bình quân hàng năm tăng 11%, trong đó ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đến năm 2013 đạt giá trị sản xuất 596,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,6 % tăng 9,6% so với năm 2011. Sản phẩm nông nghiệp đang từng bước được đa dạng hóa và nâng cao giá trị kinh tế. Phát huy những lợi thế về tài nguyên, khí hậu, địa phương đang phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, bán thâm canh và vỗ béo gia súc theo hướng chuyên thịt và giống đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt 41.500 tấn. Nuôi trồng thủy sản được đa dạng hóa đối tượng theo quy hoạch và phát triển ổn định, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, các ngành, nghề truyền thống như: sản xuất muối, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sửa chữa cơ khí tàu thuyền, chế biến thủy sản... tiếp tục được duy trì và phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn khá ổn định, bình quân hàng năm tăng thu 14,75%; tổng mức đầu tư toàn xã hội hàng năm trên 1000 tỷ đồng.


Tuyến đường ven biển Phú Thọ-Mũi Dinh được Nhà nước đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội huyện Thuận Nam


Khởi sắc dễ nhận thấy nhất, qua 5 năm huyện Thuận Nam đi vào hoạt động là cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Trung tâm hành chính huyện, Bệnh viện huyện, trụ sở làm việc các xã, trường học, trạm y tế... Đặc biệt, tuyến đường ven biển đoạn từ Phú Thọ - Mũi Dinh và Mũi Dinh - Cà Ná đang hoàn thiện giai đoạn cuối sẽ mở ra cho địa phương nhiều hứa hẹn về lợi thế phát triển kinh tế du lịch, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay đã giảm xuống còn 9,01% (giảm 4,78% so với cuối năm 2011). Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã triển khai xây dựng được 759 nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bở, dột nát. Có 3 trường TH, THCS đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI ): “ Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bình quân hàng năm có 63,5% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, 82,9 % đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.Những kết quả đạt được và tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên cùng với sự cam kết, hỗ trợ kịp thời của tỉnh và trung ương chính là tiền đề và cơ hội cho sự phát triển của huyện Thuận Nam trong thời gian đến. Đồng chí Nguyễn Văn Thành cho biết thêm: Những năm tiếp theo, Huyện ủy xác định tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội theo hướng đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng tâm mà địa phương có lợi thế, tiềm năng như kinh tế biển, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng kinh tế. Theo đó, sẽ khuyến khích nhân dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, trang bị phương tiện phục vụ đánh bắt xa bờ theo hướng vươn khơi dài ngày nhằm nâng cao năng lực đánh bắt, khai thác. Tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng, kỹ thuật hiện có của ngành thủy sản. Tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, nâng dần chất lượng sản phẩm khai thác có giá trị kinh tế cao từ 25% trở lên, làm cơ sở để thu hút và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục thực hiện tốt đề án đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, nhân rộng mô hình tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản, đội tàu đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.

                  Ngư dân xã Cà Ná vào mùa khai thác vụ cá Nam. Ảnh Sơn Ngọc

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Từng bước hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp phù hợp với điều kiện của huyện, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, trọng tâm là giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao.

Với sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chắc chắn Thuận Nam sẽ vươn mình phát triển đúng hướng, tạo nên sự khởi sắc xứng đáng là quê hương của những địa danh anh hùng, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh. Trong tương lai, khi các dự án đầu tư lớn trên địa bàn huyện như: Nhà máy điện hạt nhân, mở rộng Quốc lộ 1A, điện gió, điện mặt trời, khai thác và chế biến Titan, khu công nghiệp Phước Nam, cụm công nghiệp Dốc Hầm, nhà máy chế biến sản phẩm từ cây neem... được hoàn thành và đi vào hoạt động, năng lực và giá trị mới của địa phương càng được nâng cao, Thuận Nam sẽ càng vững tin hơn trên con đường phát triển!


 

Theo NTO